17 tháng 7, 2013

CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM CÓ THÊM MÁY BAY TUẦN THÁM

Vnx - Sáng 16/7/2013, chiếc máy bay Casa số hiệu 8983 đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Gia Lâm, Hà Nội.

Đây là máy bay tuần thám thứ 3 của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Trước đó Lữ đoàn Không quân 918 đã tiếp nhận hai chiếc máy bay Casa số hiệu 8981 và 8982.

Đây là loại máy bay hiện đại thế hệ thứ 4 do hãng Airbus sản xuất cùng với đó là hệ thống tuần thám biển dùng để bay trinh sát, quan sát biển, thả dù, bảo vệ thềm lục địa, cũng như nhiệm vụ dân sinh như phát hiện dầu loang, dầu tràn, chống ma túy, cháy rừng.

Máy bay Casa 212 có thể hoạt động 8 giờ liên tục trong điều kiện đường băng ngắn hẹp rất phù hợp trong điều kiện của nước ta.

Thượng tá Nguyễn Hoài Thủy - Phi đội trưởng Phi đội Casa 212 cho biết, để làm chủ được trang bị hiện đại đơn vị đã cử hai đoàn phi công sang Tây Ban Nha đào tạo.

Trong thời gian tới, Cục Cảnh sát biển và Lữ đoàn không quân 918 sẽ nhanh chóng đưa máy bay Casa 212 vào thực hiện nhiệm vụ.
-----------------------------------
CASA-212 là máy bay vận tải quân sự đa nhiệm thế hệ thứ 4, được thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ tuần thám hải quân, với nhiều trang bị kỹ thuật hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu.

Thiết kế máy bay nhỏ gọn, có sải cánh 20,2m, chiều dài 16,1m, cao 6,5m.

Trang bị động cơ tua-bin cánh quạt cho phép máy bay hoạt động với tốc độ bay thấp và bay trên biển liên tục tới 7 giờ đồng hồ. CASA-212 có thể đạt tốc độ bay hành trình 360km/giờ, tầm bay đạt 1.800km, trọng tải cất cánh đạt 8,1 tấn.

Loại máy bay này có thể hoạt động ở các sân bay dã chiến với thiết kế mô-đun.

Đảm bảo cho các nhiệm vụ tuần tra, CASA-212 được trang bị các thiết bị cho tầm kiểm soát 80km và có khả năng tìm kiếm, theo dõi mục tiêu đa chế độ bất kể ngày, đêm.

Mục tiêu chủ yếu của CASA-212 là trinh sát, phát hiện tàu chiến, tàu ngầm của đối phương. 

Ngoài ra, nó dễ dàng phát hiện các loại tàu khác.

LỚP HỌC CŨ ĐÓN CHÀO NĂM HỌC MỚI


16 tháng 7, 2013

GIẤC NGỦ NƠI TRẦN THẾ

Học sinh Mần non bản Lả Nhì Thàng (xã Sì Lờ Lầu, Phong Thổ, Lai Châu) ngủ trưa. Đây là điểm Trường xa nhất, đi lại khó khăn nhất của địa bàn xã Sì Lờ Lầu biên giới có độ cao nhất cả nước, mỏm đất đầu tiên của vùng Tây Bắc giáp với biên giới Trung Quốc. Xã là nơi cư trú của đồng bào Dao đỏ, Hà Nhì, H Mông từ rất nhiều đời nay và được xem là địa bàn trọng điểm, khó khăn hàng đầu trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Năm học 2013-2014, Sì Lờ Lầu được chọn là địa bàn đầu tiên triển khai Chương trình Áo ấm Biên cương, trong kế hoạch hàng loạt các chuyến đi trong năm học này, đến các địa bàn biên giới phía Bắc, tặng quần áo ấm, giày dép, chăn màn, sách vở - đồ dùng học tập, thực phẩm... cho học sinh Mầm non, Tiểu học và THCS.

15 tháng 7, 2013

LÀM BÁO TỬ TẾ VÀ LÀM BÁO BẤT LƯƠNG

GS Nguyễn Văn Tuấn - Thoạt đầu tôi không để ý đến bài báo này (viết về "Tại sao gái miền Tây làm nghề nhạy cảm"), nhưng thấy PV Lê Ngọc Sơn đưa vào FB và thấy các bạn bàn luận tôi mới đọc qua cho biết.

Đọc xong tôi thấy đây là một bài báo có rất nhiều điểm đáng bàn.

Đáng bàn không phải vì sự thật (đúng ra là tính hư cấu) trong bài báo, mà là khả năng nhận thức của người viết bài báo.

Có nhiều câu chữ mang hơi hám khoa học nhưng thật ra là phi khoa học. Đáng lẽ toàn bộ bài viết phải gọi là “ngụy khoa học” thì đúng hơn.

Tính nguỵ khoa học (pseudoscience) trong bài này nó bàng bạc trong các thói nguỵ biện phổ biến.

Cái nguỵ biện thứ nhất là nói bâng quơ.

Chẳng hạn như câu “con gái miền Tây đi làm những nghề nhạy cảm như massage, tiếp viên… nhiều hơn những con gái miền khác.

Thật ra, tôi cũng có thể nói khơi khơi thế này: “con gái miền Tây đi làm công nhân trong mấy hãng xưởng ở Bình Dương và Long An nhiều hơn con gái miền khác”. Tôi nói thế là vì tôi hay đi đến những hãng xưởng đó và có cảm nhận như thế.

Còn những người hay đi uống bia ôm và massage thì thấy gặp con gái miền Tây nhiều, nên có cảm nhận như thế.

Ở Sydney trong thời gian gần đây, báo chí nêu tình trạng một số người Việt ăn trộm trong các siêu thị sang trọng và mang bạch phiến từ VN sang Úc, mà đa số là người gốc Bắc (1975). Nếu dùng cách nói như tác giả bài này người ta sẽ nói người Bắc hay buôn ma tuý và ăn trộm?!.

Cách suy luận đó có thể hấp dẫn với những ai có suy nghĩ dễ dãi, chứ khó thuyết phục người suy nghĩ nghiêm chỉnh. Khó thuyết phục vì nó vô lí và xúc phạm.

Để thấy sự vô lí, có thể lấy thêm một ví dụ: người ta thấy nhiều người mắc bệnh tả có thói quen ăn thịt chó, thế là người ta nghi rằng thịt chó là nguyên nhân bệnh tả.

Nhưng câu hỏi quan trọng hơn là so sánh giữa bao nhiêu người ăn thịt chó mắc bệnh tả, và bao nhiêu người không ăn thịt chó mắc bệnh tả.

Bài học thứ nhất ở đây là: Nói một chiều và không có nhóm chứng (control) là phạm phải lỗi nguỵ biện.

Thứ hai là nguỵ biện thống kê.

Tiêu biểu cho nguỵ biện này là câu khẳng định “Đó không phải là chuyện ngẫu nhiên”. Đây là một câu phát biểu rất khoa học, vì không phải ngẫu nhiên, tức là có hệ thống.

Cái lỗi hệ thống mà tác giả này chứng minh trong mấy đoạn sau là do con gái miền Tây hay đua đòi, thất học, và do đó suy nghĩ đơn giản (dễ bị chiêu dụ). Quan trọng là chữ “ngẫu nhiên”.

Nếu tác giả chỉ đọc vài bài báo thấy ai cũng nói con gái miền Tây đua đòi và còn thất học, tác giả đã bị người khác cấy vào não cái ý tưởng rằng con gái miền Tây quả thật hay đua đòi và thất học.

Nhưng có thể đó chỉ là ý kiến cá nhân của vài kí giả, chứ chẳng có dữ liệu gì để đi đến một kết luận nghiêm chỉnh.

Vài kí giả thì có thể chỉ là ngẫu nhiên (có thể họ hay đi nhật nhẹt trong các quán bia ôm), nên khó mà nói mang tính đại diện được.

Do đó, đáng lí ra, để chứng minh không phải là ngẫu nhiên, tác giả phải trình bày vài dữ liệu để thuyết phục độc giả. Hay hơn nữa, tác giả có thể tính toán (như trị số P) để độc giả thấy.

Khi các kí giả có trình độ khá đưa tin về vaccine phòng chống HIV bên Thái Lan, người ta trình bày trị số P = 0.04 để cho thấy hiệu quả đó không phải là ngẫu nhiên.

Nhưng tôi ngờ rằng tác giả bài này khó mà tính được trị số P, mà có tính được thì chắc gì đã hiểu.

Lỗi nguỵ biện thứ hai ở đây là hồ đồ.

Thứ ba là tác giả đi từ võ đoán này đến võ đoán khác.

Sau khi cho rằng “nhiều người” (lại “nhiều”!) miền Tây “cực kì cưng chiều con gái”, tác giả đi đến một phán xét rằng “Thế nên, ngay từ nhỏ, con gái miền Tây đã không phải lao động dãi nắng, dầm mưa, quá lắm chỉ là làm các công việc nội trợ trong gia đình.” Cái này là rõ ràng một sự võ đoán.

Là bậc cha mẹ ai không cưng chiều con, đặc biệt là con gái. Đáng lẽ phải thấy đó là một điểm son chứ, để phân biệt với loại người (phải dùng chữ “loại”) trọng nam khinh nữ. Nhưng cưng chiều không có nghĩa là ở nhà suốt ngày lo mài dũa móng tay, bôi son, trét phấn như mấy cô gái thị thành đua đòi.

Tôi có thể lấy gia đình tôi ra làm ví dụ. Mấy em gái của tôi vẫn làm ruộng. Thật ra, hầu hết những người gặt lúa, cấy lúa ở miền Tây là phụ nữ.

Có lẽ tác giả bài này chưa sống ở miền Tây nên nói quá bậy. (Chữ "bậy" ở đây là còn nhẹ, tôi có thể dùng chữ nặng hơn, nhưng có lẽ không cần thiết).

Cũng nằm trong cái lỗi võ đoán, tác giả phóng bút viết rằng “Chỉ cần quăng tay lưới hoặc cắm cây xuống lớp đất màu mỡ, họ sớm nhận được thành quả mà ít phải bỏ công sức hơn nơi khác”.

Nếu tác giả này được đẻ ra vào thế kỉ 19 hay đầu/giữa thế kỉ 20 thì câu này có thể tạm chấp nhận được, nhưng đây là thế kỉ 21, tình trạng nông thôn đã có nhiều đổi thay (theo chiều hướng xấu đi) nên không có chuyện quang lưới xuống sông là có cá ăn đâu nhé.

Có lẽ tác giả hoặc là đang nằm mơ giữa ngày (day dreaming), hoặc là đang “phê” những cuốn sách của bác Sơn Nam nên mới bạo tay gõ bàn phiếm như thế.

Viết mà không đi thực tế thì chẳng khác gì – nói theo cách nói của dân miền Tây – nói dóc, tào lao.

Thứ tư là nguỵ biện theo kiểu lợi dụng trường hợp cá biệt.

Đó là câu “Có thể thấy, lối suy nghĩ của nhiều cô gái miền Tây khá đơn giản, mộc mạc. Những phát ngôn “kinh điển” của Ngọc Trinh, người đẹp đến từ Trà Vinh, là ví dụ tiêu biểu nhất”.

Phải nói đây là một câu phát biểu ngờ nghệch nhất mà tôi thấy từ một nhà báo. Lấy một trường hợp cá biệt để đi đến kết luận cho một cộng đồng là một sai lầm, một nguỵ biện thấp nhất.

Nguỵ biện này chẳng khác gì lấy một cô hoa khôi nào đó ở Hà Nội giết tình nhân, rồi suy luận rằng gái Hà Nội là ác ôn!.

Dùng cách nói của nhà báo này, con gái miền Tây cũng có thể nói rằng nhà báo Việt Nam rất dốt nhưng ngạo mạn làm bộ như ta đây là những người đạo cao đức trọng - một kiểu đeo mặt nạ đạo đức giả.

Toàn bộ bài báo toát lên một cái “air” trịch thượng và xúc phạm.

Hầu như đoạn văn nào trong bài viết cũng có vấn đề. Hoặc là vấn đề dùng chữ mỉa mai, hoặc là cách nói kẻ cả, hoặc là võ đoán, hoặc là nguỵ biện.

Có những câu trong bài hoàn toàn võ đoán như “Hiện tại, ở miền Tây, một chàng trai muốn cưới được vợ phải có ít nhất 60 triệu đồng. Bởi ngoài tiền cưới, chàng trai phải có nhiệm vụ mua lễ vật vòng vàng nhẫn cưới cho vợ và gia đình vợ.” Có phải thật sự là 60 triệu? (Thằng cháu tôi mới lấy vợ và nó chỉ có 10 triệu đồng trong túi). Có phải thật sự đó là đặc điểm ở miền Tây?.

Một con người chỉ cần cái bộ não bình thường cũng có thể đặt hai câu hỏi đó, và khi biết đặt câu hỏi đó thì tác giả sẽ thấy vô lí và xúc phạm như thế nào.

Rất khó biết tác giả có thực sự cố ý xúc phạm phụ nữ miền Tây hay không, nhưng cách dùng chữ và cách vận dụng logic thì rõ ràng là có nỗ lực.

Nỗ lực xúc phạm cả một cộng đồng. Đừng nghĩ dùng chữ “một số” hay không dùng chữ đó mà không xúc phạm.

Có lẽ câu xúc phạm nhất là câu này: “Có thể thấy, lối suy nghĩ của nhiều cô gái miền Tây khá đơn giản, thoáng đãng, bản năng”.

Chú ý chữ “bản năng”. Phải là một người có nhiều thành kiến ghê gớm lắm mới dám đặt tay viết hai chữ đó. Tôi nghĩ những cô gái miền Tây cũng có thể mượn cách nói xúc phạm và hồ đồ đó để trả hai chữ đó cho tác giả: bản năng nói xấu.

Hết “bản năng”, tác giả còn phán thêm rằng con gái miền Tây “suy nghĩ đơn giản”. Đó là một cách nói trịch thượng. Chẳng biết tuổi đời của tác giả này bao nhiêu mà khẩu khí có vẻ như là bề trên. Thật ra, ngay cả bề trên cũng không dám nói như thế.

Ở một đoạn khác, tác giả tỏ ý chê con gái miền Tây là thật thà và chất phác, nhưng nếu con gái miền Tây ăn diện thì bị cái chê khác: “ăn nói bạt mạng, ăn chơi tung trời và mặc đồ mát mẻ hơn bất cứ cô gái thành thị nào”. Làm như chỉ có con gái thành thị (như tác giả bài báo?) mới có quyền mặc đồ mát mẻ! Nếu ăn nói bạt mạng thì chính tác giả bài báo mới xứng đáng với cái nhãn hiệu đó.

Nên nhớ rằng miền Tây là dựa lúa của cả nước và cũng là nơi nuôi Việt Nam. Trong số những người làm ra hạt lúa để nuôi cả nước, có phân nửa là lao động nữ.

Ấy thế mà có người vô ơn đến nỗi viết hẳn một bài báo để nói rằng con gái miền Tây lười biếng, thất học, và dễ tin!.

Nếu tác giả thật sự nghĩ như thế, thì đáng lẽ tác giả nên chịu khó suy nghĩ và đặt câu hỏi “tại sao”. Tại sao người dân miền Tây ít học? Tại sao người dân miền Tây bỏ làng đi làm thuê ở Bình Dương?.

Tôi nghĩ nếu tác giả tìm được câu trả lời thì có lẽ tác giả sẽ cảm thấy xấu hổ với những nhận định của mình, và nợ người dân miền Tây một lời xin lỗi. Dĩ nhiên, xin lỗi chỉ tồn tại ở những người có nhân cách.

Người Tây phương có câu “In God we trust, all others must bring data” (có thể hiểu câu đó là: Chỉ có Thượng đế là đáng tin, còn tất cả những cái khác phải dựa trên dữ liệu). Hình như là câu nói của Edward Deming, người đem khái niệm quality control đến kĩ nghệ xe hơi của Nhật.

Để đi đến kết luận về một cộng đồng, người ta cần chứng cứ. Chứng cứ có thể là định tính, nhưng tốt hơn nữa là định lượng đàng hoàng. Có lần nói chuyện ở Thời báo Kinh tế Sài Gòn (thời ông Võ Văn Kiệt còn sống) tôi có nói về evidence based journalism mà tôi tạm dịch là “Báo chí thực chứng” (giống như y học thực chứng). Theo đó, phóng viên nên dựa vào chứng cứ mà viết thì tốt hơn là dựa vào những cảm nhận cá nhân.

Nói không có chứng cứ là nói dóc. Nói dóc, nói chuyện tào lao là chuyện của dân nhậu nhẹt. Rượu vào lời ra mà. Chẳng ai thèm để ý đến những lời nói dóc của những người say men rượu.

Nhưng nhà báo, dù gì cũng mang danh là “có học”, mà nói dóc thì đáng trách, nếu không muốn nói là đáng kinh tởm. Khoảng cách thái độ từ kinh tởm đến khinh bỉ chẳng bao xa.

Tác giả bài này cho rằng con gái miền Tây suy nghĩ đơn giản, nhưng những phân tích trên đây cho thấy thấy chính tác giả mới là người suy nghĩ đơn giản.

Suy nghĩ đơn giản là biểu hiện của sự yếu kém về trình độ và nhận thức.

Suy nghĩ đơn giản còn thể hiện sự lười biếng tư duy.

Dù lí do gì đi nữa thì những nhận định trong bài viết của tác giả cũng đáng trách.

Bài báo cũng là một trường hợp để phân biệt cách làm báo tử tế và cách làm báo bất lương.
--------------
* Hình ảnh về đời sống sinh hoạt của người dân một số tỉnh miền Nam, giai đoạn 1980-1990 đã được đăng tải trên trang Corbi, chỉ có tính minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết của tác giả.

NGHÈN NGHẸN TRƯỜNG SA

Mai Thanh Hải - Ra Trường Sa, nhiều người chỉ chăm chăm chui vào phòng họp, nghe chỉ huy đảo đọc báo cáo, xong rồi cả "bầu đoàn thê tử" đi loanh quanh thăm một số "điểm sáng", toàn những gọn gàng - đầy đủ - sạch đẹp được chuẩn bị từ trước, trong khoảng thời gian ngắn ngủi vài tiếng đồng hồ.

Xong buổi "thăm và làm việc" ấy, thế nào cũng có "đại biểu - khách mời" trong bầu đoàn tấm ta tấm tắc: "Bộ đội Trường Sa sướng thật, có khi hơn cả trong đất liền, chả thiếu gì!" và không ít người còn quay ra hậm hụi: "Thịt thà, rau cỏ, tôm cá thừa mứa. Không khí trong lành. Quá... nghỉ dưỡng!" khiến anh em Hải quân đi cùng Đoàn Công tác chỉ biết cười phụ họa, cho xong chuyện.

Mình, đã gặp khá nhiều những sự "lạc quan tếu" như thế và khá nhiều lần rủ những "đại biểu" đó, cắt thời gian ngồi Hội trường nghe báo cáo, để xuống nhà bếp của đảo, xem bữa ăn thật của bộ đội thế nào, nhưng rất hay bị ngạc nhiên tròn mắt: "Xuống chỗ bừa bộn, nấu nướng làm gì?"...

Vẫn biết được cả nước chăm lo theo khẩu hiệu "Tất cả vì Trường Sa thân yêu", nhưng phải chứng kiến, cùng ăn những bữa ăn hàng ngày của bộ đội, mới biết cái sự gian khổ - thiếu thốn nó đeo đuổi cuộc sống của người lính, như thế nào.

Đơn cử như chuyện miếng thịt, lá rau.

Đừng nhìn vườn rau xanh mướt, được che chắn cẩn thận mà bảo "chả thiếu rau xanh".

Từng ấy con người, toàn trai tráng lực lưỡng khỏe mạnh, ăn thùng uống chậu mà thả giàn ra, số rau xanh trên đảo chỉ đáp ứng có khi vài ngày, là sạch không còn cả... rễ, nói gì đến "cơ số dự trữ - dự phòng"...

Những ngọn rau ấy, hầu như chỉ để ngắm cho đỡ nhớ nhà, đỡ thèm vị mát ngọt và hãn hữu lắm, mới gượng nhẹ hái vài lá, ăn cho đỡ háo mà thôi.

Đừng nhìn đàn lợn - đàn gà bạo dạn hơn cả lính, sạch sẽ hơn... văn công mà bảo: "Lúc nào cũng có thịt tươi".

Những con vật nuôi, trong bờ gọi là "gia súc - gia cầm" ấy, là một phần thân thuộc không thể thiếu, trong cuộc sống đằng đẵng thiếu vắng tình cảm đất liền của lính đảo và để nuôi được chúng liền kề, những công sức chăm chút bỏ ra, không thể đo đếm - tính toán nổi, nên cả năm, có hào phóng lắm cũng chỉ dám ngả thịt 1-2 con dịp Lễ tết, đón khách quan trọng trong đất liền ra thăm...

Và bữa ăn hàng ngày, để sống - tồn tại, canh biển giữ trời, quay đi quay lại vẫn những thứ được tiếp tế theo tàu vận tải từ đất liền ra, có khi vài tháng mới có 1 lần do điều kiện thời tiết...

Bữa ăn cũng có rau đấy, nhưng quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là măng hộp, củ quả đóng hộp, dưa chuột, bí đỏ, giá đỗ, khoai tây, cà tím, bầu... và dĩ nhiên, không thể thiếu khẩu phần thịt đóng hộp, được chế biến thành canh.

Loanh quanh các món ăn hàng ngày của lính đảo, ngoài cơm tẻ - mì tôm, cũng chỉ: Canh mì tôm, ruốc bông, thịt hộp mang ra... kho, cá hộp cũng phải đổi món thành... rán, dưa chuột thái lát xào, măng xào, thịt hộp xay, thịt xay đổi bữa thành... rán, dưa chuột nấu thành canh cho có vị mát, thịt hộp xay lại cắt ra mang luộc, bí đỏ luộc - xào - rán - nấu canh...

Thế nên ra đảo, nhất là chuyến đầu tiên của mùa đi thăm và dịp tiếp tế - thay quân gần Tết, thấy anh em mừng đến tột độ, đừng đinh ninh mình là khách quý, bởi những ánh mắt sáng rực đó, cũng dành phần lớn cho những tải củ quả, bao rau xanh, cũi lợn, lồng gà.

Mà sao không thể mừng vui, thèm khát, khi biết chắc bữa ăn ngày hôm nay, sẽ có cọng rau muống luộc, thêm bát nước luộc vắt chanh hoặc đĩa rau cải xanh, đồng đội tàu cất cẩn thận dưới hầm lạnh, gửi lên cho đồng đội đảo, rửa qua nhếu nháo và ăn sống ngay tức thì, cho đỡ thèm rau, khát nước?..

Ra với đảo, anh em bạn bè đồng hương khách quý, trước khi lên xuồng ra tàu về đất liền, thế nào cũng được bạn mình dấm dúi tặng cho 1 thuôn hình tròn, dài dài bọc trong giấy báo, bảo: "Quà của đảo gửi đất liền!".

Đừng tưởng đấy là cá khô cá tươi hay sản vật biển, bởi có khi sống ở biển đấy, nhưng vẫn phải ăn... cá hộp, từ đất liền chuyển ra.

Tất cả đều là thịt lợn (heo) xay đóng hộp, chuyên cung cấp cho bộ đội Trường Sa, cấp phát cho từng người, nhưng anh em ăn mãi, ngán quá nên để dành mang về đất liền hoặc tặng khách quý.

Lật ngược hộp thịt, gõ xuống đất vài lần cho róc, mở hộp, lấy dao nhọn khoanh cắt mấy nhát, xong mới cắm que tăm, kéo từng vuông thịt hộp lên nhấm nháp, thấy nghèn nghẹn bột bảo quản ở ngay nơi cổ, mới thấm thía sự thiếu khó lá rau, miếng thịt, con cá ở nơi mà thực sự, thứ gì cũng không có.

Và có vậy, Trường Sa mới thực sự là Trường Sa gian khó - Gian khó nhất tuyến đầu...
-------------------------------------------------------------------------------------



14 tháng 7, 2013

CHỜ "CÁNH CỬA MỞ" CHO ĐỒNG ĐỘI...

TT/BM - Biên giới Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang). Ngày 12-7-2013.

Nắng đã bắt đầu tắt trên những mỏm núi đá hình răng cưa, một người đàn ông dáng lam lũ ngồi lặng lẽ trên những bậc thang của đài tưởng niệm Liệt sĩ Thanh Thủy.

Dưới chân đài tưởng niệm, suối Thanh Thủy vẫn chảy mải miết.

Ông bảo 29 năm về trước, con suối này vẫn chảy như vậy, dãy núi phía xa kia vẫn nổi rõ từng chóp sắc trên nền trời như vậy.

Chỉ có con người đã đổi thay, ông và những người còn sống trở về sau chiến tranh tóc đã bắt đầu bạc.

Còn đồng đội phía dưới những rặng cây xanh ngắt kia mãi mãi vẫn 20 tuổi.

12-7 không phải ngày truyền thống Sư đoàn 313 của ông, thế nhưng năm nào ông cũng đến.

Buổi sáng, con trai chở ông đến Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên thắp hương, buổi chiều ngược trở lại Thanh Thủy.

Ông tên Chiến (quê ở Thái Bình), nhập ngũ theo lệnh Tổng động viên cho chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979.

Đời lính của ông gắn bó bảy năm liền với những điểm cao trọng yếu của vùng biên giới Thanh Thủy này.

Năm 1984, một số điểm cao bị quân Trung Quốc xâm lược đánh chiếm dữ dội, Sư đoàn 356 được điều động về cùng đơn vị ông phòng ngự và chiến đấu giành lại các điểm cao.

Máu, nước mắt, mồ hôi của họ cùng thấm vào đất vào đá Thanh Thủy này.

Duyên nợ đưa ông gặp lại những người lính Sư đoàn 356 đúng vào buổi chiều 12-7 này.

Rất nhanh, họ nhận ra nhau vì đều cùng chung một phần ký ức không thể nào quên.

Câu chuyện của 29 năm về trước cứ tuôn trào không dứt.

Một thời tuổi trẻ mình, bạn bè, anh em và đồng đội cứ trở lại.

Như thể tất cả mới chỉ xảy ra hôm qua.

“Ngày đó chúng tôi chỉ nặng 40-50kg, trên người đeo thêm hơn 40kg đạn dược vũ khí cứ chạy lên chạy xuống dưới những điểm cao. Còn mấy cái ruộng bậc thang lúa xanh um kia ngày đó được gọi là thung lũng chết, pháo Trung Quốc từ phía bên kia giội xuống cả ngày không ngớt. Sau ngày 12-7-1984, suốt một tuần liền cứ đêm xuống là chúng tôi đi tìm thi thể đồng đội. Trời lúc mưa lúc nắng, thi thể trương lên không thể nhận dạng được nữa, chỉ có thể bọc lại mang về. Đêm đêm, thi thể đồng đội nằm ngoài, chúng tôi nằm trong cố ngủ” - Một người lính Sư đoàn 356 chia sẻ.

Trở lại chiến trường xưa sau 29 năm, ông Phạm Ngọc Quyền (Hà Nội) khóc như một đứa trẻ trước đài tưởng niệm đồng đội hi sinh.

Nếu ông không chỉ, cũng khó nhận ra nổi ngọn núi từ suối Thanh Thủy đi vào lại là điểm Đ1, Đ2, Đ3 khốc liệt năm nào.

Cây cỏ đã bao phủ lên tất cả một màu xanh.

Nhưng không một ai trong những người lính trở về lãng quên mảnh đất này, tên từng đồng đội ngã xuống ở đây. “Dưới mỗi cái cây trên ngọn núi này là bạn bè, anh em tôi” - ông Quyền rưng rưng nói.

Họ đã từng ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, chia nhau từng nắm gạo sấy khô trên chiến hào ngày mưa rét, cùng chịu cảnh người phù lên vì thiếu dinh dưỡng.

Ngày đó họ 20 tuổi, còn chưa biết đến yêu hay cầm tay một người bạn gái.

Mong ước của ông Quyền là được leo lên điểm cao, dẫu chỉ nhìn thấy nắm đất cũng coi như nhìn thấy đồng đội. Nghe thế, lính Sư đoàn 356 đều cản: “Nếu đi được chúng tôi đã đi rồi, nhưng trên đó bom mìn nhiều vô kể”.

Đó cũng là nỗi niềm của những người lính sư đoàn 356 suốt nhiều năm nay.

Hàng trăm người vẫn nằm lại cùng với khối lượng lớn bom mìn chưa được rà phá.

Riêng đêm 12-7-1984, 600 người ngã xuống nhưng chỉ có một số rất ít được đưa về nghĩa trang.

Cuộc tìm kiếm hài cốt Liệt sĩ Nguyễn Hữu Thanh năm 2012 cũng là cuộc mạo hiểm của đồng đội còn sống. Ngoài phần thi hài còn sót lại, dưới hài cốt của liệt sĩ Thanh còn có tới bốn quả lựu đạn chạm nổ.

Như một phần lịch sử nín lặng, người nằm xuống ở biên giới Thanh Thủy ít được nhớ tới, ngoài những đồng đội cũ mỗi năm lên thăm một lần.

Sư đoàn giải thể, người còn sống về quê tay cày tay cuốc, người không về dần bị che khuất giữa những cây, những cỏ.

Nhưng mặc thời gian, mặc quên lãng, vẫn có một khoảng ký ức được ấp ủ sâu kín trong tim những người lính.

Họ đã trở về ngày 12-7 và nhất định sẽ về vào những ngày khác nữa. Và họ vẫn phải chờ, chờ một “cánh cửa mở” cho đồng đội ngã xuống, cho phần lịch sử bị quên lãng của sư đoàn.

Một cánh cửa mở như rất nhiều cánh cửa mở mà những người lính đã phải trả bằng máu và tính mạng cho đồng đội có đường tiến công...

HÀ HƯƠNG
---------------
* Bài viết của PV Hà Hương, Báo Tuổi trẻ TP.HCM và được đăng tải trên báo Tuổi trẻ, ngày 14/7/2013.

* Hình ảnh minh họa, do tác giả có nick Thắng Còng (CCB, Sư đoàn 356) ghi tại "Đại lễ Cầu siêu Tưởng niệm anh linh các Liệt sĩ và đồng bào tử nạn vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc tại các chiến trường phía Bắc" (Hà Giang, ngày 13-14/7/2013) và hoạt động thắp hương cho các Liệt sĩ tại Nghĩa trang Vị Xuyên, của các thành viên Chương trình Áo ấm Biên cương.